Bước đầu tiên: Kiểm tra cây máy tính của bạn

Trước tiên, hãy xem xét thật kỹ cây máy tính của bạn. Để làm gì? Để bạn nắm được bố cục của khoang cây máy tính, xem đâu là khoang chính chứa bo mạch chủ, đâu là nơi đặt HDD hau SSD, hay khe hở ở mặt sau cho cổng của bo mạch chủ và khoang mở rộng cho Card đồ hoạ nằm chính xác ở chỗ nào… Tóm lại bước này cũng rất quan trọng, giúp bạn có được một cái nhìn tổng quát và sau đó dần dần hình thành các ý tưởng. Nếu bạn không chắc chắn về bất cứ vị trí nào trên cây máy tính, hãy kiểm tra hướng dẫn đi kèm với nó (hoặc tải xuống bản mềm trên trang web của nhà sản xuất, hoặc cũng có thể tham khảo các thông tin trên Internet. Nếu cần hãy chuẩn bị thêm cả giấy bút để ghi chú lại những điểm cần lưu ý.

 

Bạn có thể nhận thấy rằng cây máy tínhđang được sử dụng làm minh họa trong bài viết này có vẻ hơi lạ. Đó thực ra là cây máy tính Thermaltake P3. Nó có thiết kế hơi dị một chút với vỏ acrylic, được thiết kế để lộ, hay đúng hơn là để khoe toàn bộ các thành phần cấu thành trong hệ thống và đặc biệt là rất thoáng khí, bạn sẽ không cần bất cứ một cánh quạt tản nhiệt nào. Sở dĩ chọn cây CPU “lộ máy” này là để giúp bạn dễ hình dung hơn về các thành phần của cây CPU và cách chúng được lắp đặt theo đúng vị trí ra sao.

 

Bước 2: Lắp đặt CPU

Bắt tay vào công việc thôi. Bây giờ, chúng ta sẽ lắp CPU và  RAM vào bo mạch chủ trước khi cài đặt bo mạch chủ vào cây, đơn giản là vì làm như vậy sẽ dễ hơn là việc lắp đặt CPU, RAM sau khi bo mạch chủ đã được cố định đúng chỗ. Lấy bo mạch chủ của bạn ra khỏi hộp, đặt nó lên trên một mặt phẳng nhẵn, không cập kênh, và đảm bảo mặt phẳng đặt bo mạch chủ hoàn toàn không có tích điện.

Vì CPU có kích thước khá nhỏ nên ở bước này bạn cũng sẽ cần phải hết sức cẩn thận và tập trung, và nhớ là cố gắng không chạm vào các điểm tiếp xúc điện ở dưới cùng của con chip.

 

Thông thường, CPU sẽ được đặt ở trong một chiếc vỏ nhựa hoặc một số vật bảo vệ khác khi bạn lấy nó ra khỏi hộp. Hãy khoan cứ để CPU ở đó đã, bạn nên xem xét vị trí của các socket CPU trên bo mạch chủ của mình trước đã.

 

Thường thì các socket này sẽ nằm ở khu vực góc trên bên trái trên hầu hết các thiết kế bo mạch chủ thông thường. Đa phần cũng sẽ có thêm một tấm xoay lên và xuống trên bản lề (trên bo mạch Intel), và một đòn bẩy có thể được ép xuống và cắt vào bo mạch chủ để cho an toàn (trên bo mạch Intel và AMD). Hãy dành một giây để xem các cơ chế này hoạt động như thế nào trên mô hình cụ thể mà bạn đang có trong tay, khả năng là sẽ có đôi chút khác biệt giữa các bộ xử lý và nhà sản xuất khác nhau.

Bây giờ, bạn lấy CPU ra khỏi hộp bảo vệ của nó. Quan sát kỹ phần trên và dưới (không được chạm vào các lớp tiếp điểm điện) và xem cách chúng có thể được lắp thế nào vào các socket. Hầu hết các CPU cũng sẽ có một mũi tên nhỏ ở góc (như trong ảnh bên dưới, nó nằm ở phía dưới bên trái của con chip). Mũi tên này sẽ tương ứng với một mũi tên tương tự trong socket, do đó, bạn chỉ cần đặt chúng trùng với nhau sao cho chuẩn xác là được.

 

Khi bạn chắc chắn mình biết cách lắp CPU khớp vào các socket tương ứng, hãy nhẹ nhàng, chậm rãi trượt nó vào. Nếu CPU không thể trượt vào các socket, tuyệt đối không được cố ấn. Hãy tháo nó ra và kiểm tra lại từ đầu.

 

Bước 3: Cài đặt RAM

Tiếp theo, đã đến lúc cài đặt các mô-đun bộ nhớ. Nhìn chung, bạn nên thiết lập RAM vào bo mạch chủ trước khi cài đặt bộ làm mát cho CPU, vì một số thiết bị làm mát sẽ đè lên trên các cạnh của RAM, khiến cho chúng ta không thể lắp được RAM vào.

 

Khe cắm RAM là các khe dài, nông với các miếng kẹp giữ cố định ở cả hai bên, thường thì các khe này sẽ nằm ở bên phải bộ xử lý từ góc nhìn hiện tại của bạn. Các bo mạch nhỏ hơn có thể chỉ có hai khe cắm RAM, trong khi các model lớn hơn và đắt hơn có thể có tới 8 khe RAM. Trong ví dụ này, bốn thanh RAM (DIMM) sẽ được cắm vào các khe tương ứng trên bo mạch chủ.

Hãy xem xét các thanh RAM của bạn và chọn các khe cắm tương ứng sao cho hợp lý. Một lần nữa, bạn sẽ nhận thấy rằng sẽ chỉ có một cách duy nhất để bạn lắp RAM vào ke. Hãy nhìn vào điểm giữa của các chân tiếp xúc màu vàng của RAM, sau đó xếp nó sao cho khớp với các mấu nhựa trồi lên trong khe cắm RAM. Nguyên tắc này là như nhau bất kể bạn đang sử dụng thế hệ RAM nào: DDR3, DDR4 hoặc thứ gì đó mới hơn. Nếu vì một lý do nào đó mà RAM của bạn không phù hợp, có thể là do nó không tương thích với bo mạch chủ của bạn.

 

Nếu bạn đã sẵn sàng để cài đặt RAM, hãy mở các miếng kẹp ở trên cùng và dưới cùng của khe cắm. Đặt RAM vào, từ từ, nhẹ nhàng và sau đó ấn nó xuống một cách dứt khoát với lực vừa phải cho đến khi bạn thấy chắc chắn, không lung lay. Bây giờ, đóng các miếng kẹp lại để cố định RAM một lần nữa.

 

Lặp lại quá trình này cho tất cả các mô-đun RAM mà bạn có. Hãy lưu ý về các vị trí cắm RAM. Trên nhiều bo mạch chủ, các khe cắm RAM được kí hiệu theo màu, thường là màu đen và màu xám. Đó là vì cách chúng được thiết kế để hoạt động với các kênh bộ nhớ đi tới bộ xử lý. Tóm lại chỉ dùng hết các khe đồng màu trước khi chuyển sang khe khác. Ví dụ, nếu trên bo mạch có 2 khe màu xám và bạn cũng chỉ có 2 thanh RAM, hãy cắm cả vào 2 khe đó, không được cắm một xám một đen.

 

Bước 4: Lắp đặt bo mạch chủ

Đặt cây máy tính của bạn trên bàn sao cho thật chắc chắn, không cập kênh, với bảng điều khiển phía trước hướng về bên phải của bạn. Tháo miếng nắp cạnh của cây và nhìn vào bên trong, bạn sẽ thấy có một tấm kim loại khá lớn, tấm thép hoặc nhôm lớn đó chính là nơi mà bạn sẽ cài đặt bo mạch chủ của mình (sau khi đã lắp CPU và RAM vào bo mạch chủ).

Điều đầu tiên bạn cần làm là cài đặt các riser (ống đứng) của bo mạch chủ, đó là các giá đỡ nhỏ giúp ngăn tách bo mạch chủ và vỏ máy. Bo mạch chủ ATX tiêu chuẩn được sử dụng trong ảnh minh họa có 6 giá đỡ kiểu này. Thông thường, chúng sẽ đi kèm với bo mạch chủ của bạn hoặc được để trong hộp đựng sản phẩm, nếu bạn cảm thấy không rõ ràng, hãy xem qua hướng dẫn sử dụng. Bạn sẽ có thể cố định các riser vào lỗ gắn tương ứng của chúng bằng cách xoáy bằng tay. Cố gắng xoáy chắc tay để bo mạch chủ được gắn cố định hoàn toàn.

 

LƯU Ý: Một số cây máy tính không có điểm cắt lớn gần phần trên của chỗ đặt bo mạch chủ, giống như trong hình trên. Nếu bạn đang muốn lắp đặt thiết bị làm mát rời trong khi cây máy tính của bạn không có điểm cắt này, bạn sẽ phải cài đặt bộ làm mát trước khi lắp bo mạch chủ.

Trước khi bạn đặt bo mạch chủ vào trong cây, hãy lắp đặt tấm I/O đã. Đây là miếng nhôm nhỏ, được thiết kế vừa vặn với mặt sau của cây máy tính, chứa đựng tất cả các cổng giao tiếp trên mặt sau của bo mạch chủ. Bạn sẽ có thể trượt và ấn nó vào mà không cần bất kỳ công cụ nào, hãy ấn từ từ với lực vừa phải.

Bước 5: Lắp đặt quạt làm mát (nếu có)

Tiếp theo, hãy cài đặt quạt làm mát cho bo mạch chủ. (Nếu chúng đã được cài đặt sẵn trong cây CPU của bạn, bạn có thể bỏ qua bước này). Nhìn chung, bạn cũng nên đầu tư lắp đặt quạt tản nhiệt rời, sẽ rất có lợi về lâu về dài. Thông thường, bạn sẽ chỉ cần xoáy vít định vị quạt vào khung của cây CPU. Tuy nhiên, trên một số cây CPU chuyên dành cho việc chơi game, kết cấu có thể hơi khác một chút. Trong trường hợp này, hãy tham khảo sách hướng dẫn sử dụng cây CPU của bạn để có thể có thêm thông tin. Tiếp theo, hãy nhớ rằng vị trí mà bạn đặt quạt tản nhiệt cũng như hướng của luồng khí mà quạt đẩy ra cũng là một vấn đề quan trọng cần suy xét.

Bước 6: Lắp đặt hệ thống làm mát cho CPU

Nếu bạn chỉ định sử dụng bộ làm mát đi kèm với bộ vi xử lý của mình (hầu hết chúng đặt một cái trong hộp), việc lắp đặt sẽ rất dễ dàng. Các bộ làm mát đi kèm với CPU thường bao gồm keo tản nhiệt, sử dụng cho các phần mối nối. Còn về các hệ thống làm mát gắn rời thì vô vàn, từ đơn giản đến phức tạp, rẻ đến đắt, tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng của bạn.

Bước 7: Lắp đặt ổ đĩa lưu trữ và ổ đĩa quang.

Cho dù bạn sử dụng bất kỳ loại ổ cứng lưu trữ nào thì việc cài đặt chúng đều khá là đơn giản. Cây máy tính của bạn sẽ có một trong hai vị trí gắn cố định hoặc dạng trượt (caddies) cho phép bạn trượt ổ đĩa vào một khe cắm để tiện cho việc tháo bỏ và thay thế. Tương tự là vị trí của ổ đĩa quang. Nếu bạn không thấy các vị trí này, hãy kiểm tra lại hướng dẫn sử dụng của cây máy tính.

 

Trong ví dụ minh họa, ổ SSD của được gắn vào một rãnh nhỏ ở phía bên của vỏ máy. Bạn dựng cây máy tính lên vị trí thẳng đứng một lần nữa, sau đó chèn và siết chặt các vít từ phía sau, quá dễ phải không! Ngoài ra, cây máy tính trong ví dụ cũng có các khung lớn hơn dành cho các ổ đĩa cứng 3.5 inch nhưng không được sử dụng đến trong trường hợp này.

 

Khi ổ đĩa lưu trữ của bạn đã được cố định vào đúng vị trí, hãy kết nối cáp dữ liệu SATA với cổng SATA trên cả hai ổ đĩa. Cáp chỉ có thể vừa khít nếu bạn lắm đúng kiểu, vì thế đừng cố dùng sức ấn.

 

Sau đó, cắm cáp vào cổng SATA trên bo mạch chủ. Lặp lại quy trình này cho nhiều ổ SSD hoặc ổ cứng mà bạn định sử dụng.

 

Việc cài đặt các ổ đĩa quang cũng rất đơn giản. Trên các cây máy tính rẻ và có thiết kế đơn giản hơn, bạn chỉ cần trượt nó vào vị trí trong khoang chứa ổ đĩa quang rộng chừng 5.25 inch ở phía trước và vặn các vít đi kèm để cố định nó lại. Đối với các cây máy tính đắt tiền và phức tạp thì sẽ có thêm một bước nữa: Xoáy các vít bên trong các rãnh ở phía mặt bên của ổ đĩa, sau đó trượt ổ đĩa vào vị trí. Giống như các rãnh trượt cho SSD và ổ đĩa cứng, cơ chế này giúp cho việc thay thế và sửa chữa ổ đĩa trong tương lai trở nên dễ dàng hơn.

 

Cuối cùng, cắm cáp dữ liệu SATA vào ổ đĩa và bo mạch chủ, giống như bạn đã làm cho ổ đĩa cứng và thiết bị đã sẵn sàng để sử dụng!